Chúng ta nói và viết rất nhiều về chuyển đổi số, nhưng ít khi thể hiện được toàn bộ quá trình và kế hoạch chi tiết. Tony Saldanha thì khác, với “Why Digital Transformations Fail”, ông đã trình bày rất rõ ràng, cùng với những hiểu biết sâu sắc từ sự nghiệp xuất sắc trong chuyển đổi tổ chức.
Cuốn sách “Why Digital Transformations Fail” (Tạm dịch: Vì sao chuyển đổi số thất bại) của Tony Saldanha được viết khi chuyển đổi số đang là mối quan tâm lớn hơn bao giờ hết. Nó mở đầu bằng bối cảnh đầy cảm hứng nhưng cũng vô cùng thách thức. Đó là cuộc cách mạng, nơi ranh giới giữa thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học ngày càng trở nên mờ nhạt nhưng lại chứng kiến thực tại 70% cuộc chuyển đổi không đi tới thành công.
Bối cảnh trực tiếp của cuốn sách còn hấp dẫn hơn – khi tác giả đứng trước nhiệm vụ chuyển đổi một tổ chức dịch vụ kinh doanh toàn cầu vốn đã có “tiêu chuẩn vàng” tại P&G. Chắc chắn đó cũng là một cuộc cách mạng thực sự.
Cuốn sách rất dễ đọc và được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của một người đã dẫn dắt nhiều chu kỳ chuyển đổi. Cùng với chia sẻ kinh nghiệm của mình, tác giả nhấn mạnh rằng hầu hết các chuyển đổi kỹ thuật số không thành công không phải do sự đổi mới hoặc các vấn đề công nghệ, mà do thiếu một quy trình có kỷ luật.
Tác giả đã đề xuất một quy trình gồm năm giai đoạn để biến công nghệ số trở thành xương sống của doanh nghiệp. Đối với mỗi giai đoạn, ông lại mô tả hai nguyên tắc quan trọng và một danh sách kiểm tra để đảm bảo tổ chức đang đi đúng hướng.
Năm giai đoạn bắt đầu với tự động hóa. Sau đó là chương trình chuyển đổi ở từng bộ phận. Ở bước thứ ba là các chương trình phối hợp để chuyển đổi chiến lược trong toàn tổ chức. Tiếp đến là hoàn thiện và đồng bộ các nền tảng, sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số. Và cuối cùng, là văn hóa bền vững của sự tái tạo kỹ thuật số như là xương sống của mô hình kinh doanh (DNA hóa).
Chuyển đổi số đòi hỏi một cách tiếp cận bằng quy trình có kỷ luật. Đây thực sự là một ý tưởng vàng giữa rất nhiều khuyến nghị phổ biến. Nhưng nó cũng là một ý tưởng rất cơ bản về các chương trình chuyển đổi số ở bất cứ quy mô nào.
Ngoài tiếp cận theo chiều dọc của các bước trong quy trình chuyển đổi, cuốn sách còn mô tả các nguyên tắc chính cho từng bước để tránh những rủi ro điển hình. Các nguyên tắc đó có thể kể đến như cam kết ở lãnh đạo cấp cao nhất, thực thi lặp đi lặp lại, trao quyền, luôn cập nhật, văn hóa linh hoạt, nhanh nhạy, nhận biết rủi ro và phản ứng kịp thời.
Các nguyên tắc này giống như một mô tả dễ hình dung về tổ chức có các đặc điểm cần thiết để thành công trong chuyển đổi số. Đó cũng là đặc điểm điển hình của một tổ chức Agile với khả năng lặp đi lặp lại các ý tưởng trong quá trình thực hiện, và chỉ mở rộng trên những ý tưởng khả thi. Đó là văn hóa trao quyền đầy đủ cho các nhà lãnh đạo thay đổi. Đó là văn hóa ủng hộ sự thay đổi liên tục, liên tục tạo ra những đánh giá và hành động chống lại các mối đe dọa của tương lai bất định.
Cuốn sách gây thích thú vì đưa ra một quy trình chi tiết nhưng không quá dài. Tác giả đã đưa vào những ví dụ khá thú vị về các công ty đã hoàn thành hoặc không thể hoàn thành các bước trong quá trình chuyển đổi. Nó có thể xem như một hướng dẫn thực tế bằng các ví dụ có liên quan từ nhiều ngành và danh sách kiểm tra cụ thể.
Qua cách trình bày cuốn sách, chúng ta có thể thấy tác giả có biệt tài biến những hiểu biết phức tạp trở nên đơn giản và tập trung vào những điều quan trọng nhất thay vì đi sâu vào chi tiết. Cách tiếp cận này, kết hợp với các ví dụ thực tế thú vị và các nghiên cứu điển hình cả từ kinh nghiệm cá nhân và trong ngành, khiến cuốn sách trở nên thú vị và rất giá trị.
Sách công nghệ có thể nhàm chán và nhìn chung không hấp dẫn đối với công chúng. Nhưng “Vì sao chuyển đổi số thất bại” thì khác, nó là sự kết hợp tuyệt vời giữa nghiên cứu, ý tưởng mới, bố cục tốt và phong cách viết dễ tiếp cận khiến nó thực sự hấp dẫn.
Cuốn sách dành cho bất cứ ai quan tâm tới những lợi ích mang cấp số nhân của chuyển đổi số. Nó cũng hữu ích cho những người muốn tìm kiếm cách dẫn dắt tổ chức tránh xa danh sách dài những tổ chức thất bại trong công cuộc chuyển đổi này. Đó là các lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, là những người điều hành các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, hay bất cứ ai quan tâm đến kinh nghiệm thành công và thất bại trong chuyển đổi số.
Sử dụng hàng chục nghiên cứu điển hình và kinh nghiệm đáng kể của bản thân, Saldanha cho thấy cách chuyển đổi số có thể được thực hiện với tỷ lệ thành công thường xuyên hơn. Giống như cách ngành hàng không kiểm soát rủi ro để đạt được tỷ lệ an toàn cao nhất cho các chuyến bay. Nếu bạn muốn dẫn dắt tổ chức của mình cất cánh và dẫn đầu trong chuyến bay đầy thử thách nhưng thú vị của chuyển đổi số, đây là cuốn sách bạn nên đọc.
Tác giả: Nguyễn Quang Huy – Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Phát triển
Bài viết liên quan:
Khóa học liên quan:
Bạn đã đăng ký thành công
Xin cảm ơn bạn đã đăng ký nhận tư vấn
Xin cảm ơn bạn đã đăng ký
Mời bạn kiểm tra Email để tải tài liệu.