Các chương trình phát triển lãnh đạo có thể đưa ra lời hứa gì với người học, hay nói cách khác, chúng ta có thể kỳ vọng gì vào một chương trình đào tạo lãnh đạo?
Hiện nay trên thế giới có một ngành công nghiệp gọi là ngành công nghiệp lãnh đạo (leadership industry) rất phát triển với quy mô hàng chục tỷ đô. Ở đó có rất nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện, học tập dành cho nhà lãnh đạo với vô số lời hứa hẹn, lời mời chào hấp dẫn. Những lời hứa kiểu như: trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc, đỉnh cao, dẫn dắt đội nhóm chinh phục những mục tiêu vĩ đại, lớn lao, lột xác, thoát xác, hóa rồng… Rất nhiều mỹ từ, dệt mộng hay ho về lãnh đạo thông qua những chương trình đào tạo lãnh đạo như vậy.
Nghĩ chậm lại một chút thì thấy rằng, tất cả những lời hứa đó đều có vấn đề cả. Không khó để nhận ra điều đó bởi trong leadership thì leader chỉ là một vế, bảo rằng leader đi học về sẽ có leadership tốt thì hơi tự tin quá. Đã là leader thì phải có follower, có nhà lãnh đạo thì phải có người đi theo, hình thành nên một nhóm cùng chung mục tiêu. Mục tiêu càng lớn thì quá trình qua lại giữa nhà lãnh đạo và người đi theo cũng như giữa nhóm đó với các yếu tố bên ngoài càng phức tạp. Chúng ta thấy rằng ngay cả một cuộc dẫn dắt đơn giản như đi chơi thôi cũng đã rất phức tạp, huống hồ là dẫn dắt tổ chức chinh phục một mục tiêu lớn về kinh doanh, để biến thành một tổ chức có giá trị tỷ đô hoặc kiến tạo những thay đổi xã hội bền vững về sau. Rất nhiều yếu tố bên ngoài (môi trường tự nhiên, bệnh dịch, sự thay đổi khí hậu, thay đổi về con người, cơ cấu xã hội, tuổi tác, thế hệ,…) sẽ không để nhóm đứng yên một chỗ, cô lập, thích làm gì thì làm và chắc chắn ra kết quả.
Cho nên, về cơ bản, leadership phải được nhìn dưới dạng tư duy hệ thống thì mới hiểu đủ được, không thể hứa hẹn rằng nhà lãnh đạo chỉ cần đi học một khóa, dù là khóa học triệu đô, sẽ nắm được bí thuật về phát triển leadership, chắc chắn sẽ có được leadership tốt. Bởi leadership sẽ phải chịu tác động của các yếu tố bên ngoài cũng như mối quan hệ tương tác giữa leader và follower.
Ví dụ như, leader và follower đều không có năng lực hay là có năng lực nhưng đặt mục tiêu cao quá, cả hai tình huống này đều dẫn đến kết quả là không làm được gì cả. Nếu một trong hai thành phần của cặp phương trình leader – follower bảo thủ hoặc cả hai đều bảo thủ, không chịu thay đổi, mặc kệ bên ngoài “nước chảy bèo trôi” thế nào thì cũng chẳng tạo ra sự thay đổi nào cả.
Hay như cả leader lẫn follower đều không kiểm soát được tình hình vì ảnh hưởng quá lớn của diễn biến môi trường bên ngoài, bực mình, nóng giận, mất kiểm soát thì cuối cùng cũng chẳng dẫn dắt được gì, chẳng lèo lái được đến đâu. Hay leader hoặc follower hoặc cả hai rơi vào trạng thái vô đạo đức, cố tình chống đối, công khai hoặc ngấm ngầm chống đối, lừa dối, tư lợi, trộm cắp của công, nói xấu người khác, tham nhũng, không ngừng hủy hoại, cố tình tổ chức hoặc vô tình nhưng lại thành thói quen hủy hoại xã hội, tổ chức nhưng vẫn cứ nằm yên ở đấy…
Rất nhiều yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài tác động như thế thì không thể có leadership hiệu quả. Cho nên, ta không thể quy mọi thành công hay thất bại cho follower hay leader mà phải có tư duy hệ thống để thấy rằng thành quả của một tập thể, một nhóm rất phức tạp. Có khi là do follower thông minh, chăm chỉ, cũng có khi là do đi đúng hướng, vừa gặp thời vừa chăm chỉ, tạo ra kết quả và thế là người lãnh đạo được ghi công.
Nhưng nhiều khi nhà lãnh đạo có leadership rất tốt, các quá trình tương tác rất được lòng, đi cũng đúng hướng nhưng do ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bên ngoài nên không đạt kết quả, không được ghi công. Trong những trường hợp này, người ta rất dễ vu cho leadership không tốt theo thang đo dựa trên kết quả. Tuy nhiên, thang đo dựa trên kết quả cũng không đúng, vì kết quả nhiều khi không thể đạt được vì môi trường nên như thế. Đó là quan điểm mang tính hệ sinh thái, tức là ban đầu đặt ra mục tiêu có thể hợp lý nhưng đến một thời điểm nào đó diễn biến thay đổi, ví dụ như Covid, rất nhiều mục tiêu trở nên vô nghĩa chỉ sau một đêm hoặc sau một quý phải đổi lại hướng đi. Cho nên, nếu không đặt leadership vào trong quan điểm hệ thống thì không thể hiểu được, không thể đánh giá đúng.
Quay trở lại vấn đề, đặt vào quan điểm hệ thống thì một chương trình phát triển năng lực lãnh đạo có thể hứa được điều gì.
Thứ nhất, nó tạo ra cơ hội cho chúng ta tìm hiểu về leadership dưới góc độ hệ thống bao gồm những gì, có mục tiêu, được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn của tự nhiên, xã hội, leader, follower và quá trình tương tác giữa các yếu tố này. Như vậy, học về leadership tức là học về cách thức mà leader có thể tác động đến follower và ngược lại, tức là ta phải học cả về leadership lẫn followership, phải hiểu về follower, hiểu biết về quá trình mối quan hệ xã hội tạo ra ảnh hưởng giữa leader và follower, nhìn ra được bối cảnh xung quanh của một nhóm để trong quá trình tương tác có thể tạo ra kết quả, chứ không phải là cứ làm mà không nhìn kết quả.
Học về leadership tức là học về con người, về mối quan hệ xã hội, về quyền lực, sự ảnh hưởng, tâm lý con người, môi trường xung quanh như một nền móng. Như vậy, không thể nói rằng sẽ “lột xác” thông qua một chương trình leadership, mà thông qua đó người ta sẽ có được bản đồ, biết được quan điểm hệ thống, có tầm nhìn rộng hơn. Tức là cung cấp một bản đồ, một hệ thống không chỉ về mặt kiến thức mà còn bao gồm cả những yếu tố về phẩm chất, năng lực, đạo đức.
Và quan trọng nhất là chúng ta hoàn toàn có thể cam kết thông qua việc cung cấp một nền móng, tức là hệ thống để tự học và rèn giũa tư duy về sau, tự nâng cao năng lực về leadership của mình và tổ chức. Ở đây bao gồm leadership của cá nhân nhà lãnh đạo và leadership của cả hệ thống.
Những khẩu hiệu, triết lý suông như hãy tự học đi, học cho ấm vào thân, không học thì chết… không có nghĩa lý gì cả. Một chương trình đào tạo, huấn luyện, phát triển phải cung cấp cả những nền móng về trí tuệ, hiểu biết, hệ giá trị, nhân sinh quan, để tạo ra một chân đế vững có thể phát triển và đóng góp thêm cho quá trình leadership ngày càng hiệu quả, đúng đắn về sau.
Tóm lại, để trả lời cho câu hỏi một chương trình đào tạo lãnh đạo có thể cam kết được điều gì, thì đó chính là cung cấp một bản đồ, tạo điều kiện để chúng ta chiếm lĩnh, nhìn được, đọc được bản đồ về leadership, về sự phức tạp cũng như sự thú vị, tầm quan trọng của nó có thể dẫn dắt chúng ta đi đến đâu. Đấy là cam kết cơ bản thay vì những cam kết về mặt kết quả, liên quan trực tiếp đến kết quả kinh doanh và hiệu suất của tổ chức. Tất nhiên, trong quá trình học chúng ta có quyền yêu cầu về những thay đổi trên thực tế như vậy. Nhưng tất cả nhà giáo dục và chương trình đào tạo phải hết sức khiêm tốn với các mục tiêu kiểu vậy, nếu không rất dễ bị sa vào tình trạng hứa lèo, bốc phét.
Tác giả: Dương Trọng Tấn
Bài viết liên quan:
Bạn đã đăng ký thành công
Xin cảm ơn bạn đã đăng ký nhận tư vấn
Xin cảm ơn bạn đã đăng ký
Mời bạn kiểm tra Email để tải tài liệu.