Tư duy phát triển (Growth Mindset) lần đầu tiên được phát hiện bởi nhà tâm lý học ở Đại học Stanford, Giáo sư Carol Dweck. Dweck đã chỉ ra rằng: “Tư duy phát triển là sự hiểu biết rằng phẩm chất và khả năng cá nhân có thể thay đổi”.
Dweck đã chỉ ra rằng quan điểm mà bạn hình thành cho mình có tác động rất lớn đến cách sống của bạn. Nó có thể quyết định liệu bạn có trở thành con người mà bạn coi trọng không.
Vì những giá trị và tác động lớn lao khi chúng ta nhận diện và học cách nuôi dưỡng tư duy (mindset) của mình, và Tư duy phát triển ngày càng có nhiều người tìm hiểu, thực hành nó cho cá nhân, gia đình, trường học hay trong các doanh nghiệp.
Khi mà cuộc sống hiện đại nhiều những rủi ro, biến động và phức tạp phải đối mặt, thì mọi người cũng rỉ tai nhau tìm hiểu và thực hành nhiều hơn về Tư duy tích cực. Có một câu nói nổi tiếng thể hiện tư duy tích cực, thường được cho là của Giáo sư Jennsen rằng “Chúng ta không được chọn những gì xảy ra với chúng ta – nhưng chúng ta có thể chọn được cách chúng ta phản ứng với nó.”
Thực hành Tư duy tích cực là một lưạ chọn rất tốt để mỗi người đối mặt và vượt qua những rủi ro, biến động, và sự phức tạp ngày càng gia tăng của xã hội hiện nay.
Và từ đó những hiểu nhầm về Tư duy phát triển hay về Tư duy tích cực nó cũng xuất hiện nhiều hơn. Trong đó, nhiều người còn cho rằng Tư duy phát triển chính là Tư duy tích cực?
So sánh giữa Tư duy phát triển và Tư duy tích cực
Người khởi xướng cho xu hướng nghiên cứu về tâm lý học tích cực là Martin Seligman, khi ông làm Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Hoa kỳ vào năm 1998.
Ngoài ông ra còn có nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng đã đóng góp cho lĩnh vực này, trong đó có Giáo sư Carol Dweck với các phát hiện và công bố về
Growth Mindset. Ngày nay nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa Tâm lý học tích cực với Tư duy tích cực, nhưng Tư duy tích cực là một phong trào thực hành mang tính tự giúp đỡ (self-help).
Từ điển Oxforddictionaries đã định nghĩa Tư duy tích cực là cách thực hành hoặc kết quả của việc tập trung tâm trí vào các khía cạnh tốt và mang tính xây dựng của một vấn đề để loại bỏ thái độ và cảm xúc tiêu cực hoặc phá hoại.
Trong khi Tâm lý học tích cực hay Mindset (1 nhánh nghiên cứu thuộc Tâm lý học tích cực) là một khoa học, với các nghiên cứu dựa trên phương pháp khoa học để đưa ra kết luận.
Tuy nhiên, Tư duy phát triển hay Tư duy tích cực đều đảm bảo nguyên tắc của Tâm lý học tích cực rằng “Chúng ta có thể học được sự lạc quan, phát huy thế mạnh và hạnh phúc hơn”. Người có Tư duy phát triển khi đứng trước khó khăn sẽ nỗ lực tìm cách để vượt qua, vì họ tin rằng khó khăn là cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân.
Hay khi đối diện với thất bại, những người có Tư duy phát triển sẽ tìm hiểu vì sao mình thất bại để học hỏi, thay vì chỉ trích bản thân hay đỗ lỗi cho hoàn cảnh. Dù thất bại họ vẫn tin tưởng rằng kỹ năng, khả năng giải quyết vấn đề và vượt qua nghịch cảnh của mình sẽ phát triển, do đó họ lại đứng dậy và sẵn sàng bắt đầu.
Rõ ràng cách suy nghĩ và hành động này của người có Tư duy phát triển khá tương đồng với người có Tư duy tích cực. Bởi, những người có Tư duy tích cực cũng sẽ nỗ lực suy nghĩ mọi thứ theo hướng tích cực.
Trong nghiên cứu của mình và các cộng sự, Giáo sư Carol Dweck cũng chỉ ra rất nhiều cách thực hành hiệu quả để nuôi dưỡng Growth Mindset cho bản thân.
Trong đó, rèn luyện tư duy tích cực là một cách để giúp nuôi dưỡng tư duy phát triển. Suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn nhìn thấy điều tốt đẹp trong các tình huống tiêu cực và xem thử thách là cơ hội để học hỏi và phát triển.
Nhưng không phải bất cứ suy nghĩ tích cực nào cũng đều nuôi dưỡng Growth Mindset. Ví dụ, bạn thường hay khen và khích lệ con trẻ rằng “Con rất thông minh mới làm được nhiệm vụ này”.
Đây là lời nói xuất phát từ cách nhìn tích cực của bạn, nhưng Carol Dweck qua nghiên cứu của mình lại chỉ ra rằng cách tán dương trí thông minh không hề nuôi dưỡng lòng tự trọng và dẫn đến thành tựu mà thậm chí còn làm phương hại đến thành công sau này của con bạn và hình thành Tư duy cố định (Fix Mindset, đối lập với người có Growth Mindset.)
Nếu bạn coi việc phát triển cá nhân của mình và nhân viên là một mối quan tâm nghiêm túc, thì bạn nên tìm hiểu và thực hành Tư duy phát triển sớm. Bắt đầu với Tư duy phát triển (Growth Mindset) là một khởi đầu rất quan trọng và nền tảng để bạn có thể tạo động lực cho mình và giúp phát triển bản thân lẫn tổ chức.
Tác giả: Nguyễn Thị Phương – Trung tâm Socrates
Bài viết liên quan: