Năng lực thích ứng của tổ chức được định nghĩa là khả năng dẫn dắt sự và thích ứng nhanh với những biến động nội bộ và bên ngoài, đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với những yêu cầu của khách hàng, một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí mà không ảnh hưởng tới chất lượng, liên tục duy trì lợi thế cạnh tranh.
Mô hình 3C
Lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất trong công cuộc dẫn dắt sự thay đổi. Lãnh đạo không chỉ là người thúc đẩy mà còn là người dẫn dắt sự thay đổi trong tổ chức. Con người chúng ta thường được truyền cảm hứng bởi những người dẫn dắt bằng ví dụ, tích cực tham gia vào sự phát triển của bản thân chúng ta. Việc dẫn dắt này là thông qua hành động, không phải lời nói.
Mô hình 3C là liên quan tới sự dẫn dắt sự thay đổi trong doanh nghiệp. 3C là chữ viết tắt của Communication (Giao tiếp), Commitment (Cam kết) và Collaboration (Cộng tác).
Mô hình 3C dẫn dắt sự thay đổi trong doanh nghiệp
- Giao tiếp: Nguyên tắc này luôn là một nguyên tắc trung tâm để giúp nhóm hay cá nhân có thể thành công trong các dự án hay nhiệm vụ. Việc xây dựng và duy trì sự thay đổi trong một tổ chức phụ thuộc nhiều vào việc giao tiếp hiệu quả và kịp thời, liên tục xem xét lại tầm nhìn, giá trị của sự thay đổi một cách có ý nghĩa.
- Cam kết: Đây là một yếu tố nên đến từ bên trong mỗi người, phụ thuộc vào cách mỗi cá nhân thể hiện với tầm nhìn, và giá trị của sự thay đổi. Mỗi cá nhân nên nhận ra rằng rất khó để chúng ta tránh khỏi những thay đổi. Thay đổi là điều khó tiên đoán trước.
- Cộng tác: Bất kì thay đổi nào cũng cần có sự nỗ lực của nhiều bên liên quan, có thể từ các thành viên trong nhóm cho đến toàn bộ tổ chức, tuỳ thuộc vào mức độ thay đổi. Tương lai và sự thành công liên tục phụ thuộc vào khả năng của những cá nhân cam kết liên tục sáng tạo, thử nghiệm, học hỏi không ngừng để tạo nên hiệu quả cùng một nhóm.
Từ mô hình 3C đến 9 nguyên lí của lãnh đạo theo Agile
Lãnh đạo theo nguyên lí Agile (Agile Leadership Principles) không chỉ là lãnh đạo giỏi, mà còn linh hoạt bởi sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo, sẵn sàng mở rộng năng lực của bản thân mình. Sau đây là 9 nguyên lí được Business Agility phát triển và sử dụng với nhiều lãnh đạo trong các tổ chức khác nhau để giúp họ tiếp tục khám phá bản thân:
9 nguyên lý của lãnh đạo được Business Agility phát triển và sử dụng
- Hành động quan trọng hơn lời nói: Một lãnh đạo theo nguyên lí Agile (Agile Leadership Principles) không chỉ là người dẫn dắt và thúc đẩy sự thay đổi. Bản thân họ là một sự thay đổi. Những người lãnh đạo dẫn dắt bằng ví dụ và tích cực tham gia vào sự phát triển của chính họ sẽ truyền cảm hứng cho mọi người thông qua hành động, không phải lời nói. Các nhà lãnh đạo theo nguyên lí Agile luôn trau dồi, phát triển bản thân để trở thành người khiêm tốn, đồng cảm. Họ thể hiện những đức tính như lòng trắc ẩn, lòng tốt, sự quan tâm tới đồng nghiệp. Và quan trọng hơn cả, họ thay đổi chính bản thân mình trước khi thay đổi những người khác.
- Cải thiện chất lượng của tư duy dẫn đến cải thiện kết quả: Lãnh đạo theo nguyên lí Agile (Agile Leadership Principles) tin tưởng rằng, một tư duy nghiêm túc sẽ dẫn đến hành động có ý nghĩa. Họ sẽ nhìn nhận các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, lấy ý kiến từ những người quen thuộc nhất với vấn đề để đảm bảo rằng mọi quyết định đều bám sát thực tế . Điều này cũng có nghĩa là cho phép họ có thời gian suy nghĩ và tập trung vào những ưu tiên cao nhất trong bất kì thời điểm nào.
- Tổ chức cải tiến thông qua phản hồi: Trong nhiều tổ chức, việc nhận phản hồi thường là một trải nghiệm tiêu cực. Những nhà lãnh đạo theo nguyên lí Agile sẽ dành thời gian để phản hồi, đảm bảo rằng các đề xuất của đồng nghiệp đều được phản hồi rõ ràng, cởi mở, tôn trọng và trung thực.
- Con người luôn đòi hỏi ý nghĩa và mục đích để hoàn thành công việc: Các nhà lãnh đạo theo nguyên lí Agile tập trung vào việc xây dựng, chia sẻ những hiểu biết và mục đích chung. Họ có một tầm nhìn về sự thay đổi có ý nghĩa để từ đó áp dụng cho tổ chức. Công việc của họ là thấu hiểu những gì nằm trong trái tim và tâm trí của mỗi đồng nghiệp để có thể thống nhất, sắp xếp lại trở thành hành động truyền cảm hứng.
- Cảm xúc là nền tảng để tăng cường sự sáng tạo và đổi mới: Các nhà lãnh đạo theo nguyên lí Agile truyền cảm hứng cho những người khác để mang lại những điều tốt nhất cho công việc. Họ hiểu rằng cảm xúc là một phần quan trọng trong trải nghiệm của con người và khi các cá nhân làm việc bằng cảm xúc của mình, sự sáng tạo và đổi mới sẽ phát triển hơn. Chỉ khi cởi mở, trung thực, và minh bạch, họ mới có thể khuyến khích được điều tương tự từ những người khác.
- Lãnh đạo ở khắp mọi nơi trong tổ chức: Nhận ra tiềm năng lãnh đạo ở tất cả mọi người giúp tổ chức tăng tốc khả năng học hỏi và thích nghi. Công việc của một nhà lãnh đạo theo nguyên lí Agile là phát triển khả năng lãnh đạo trong tổ chức bằng cách tạo điều kiện cho những người khác lãnh đạo. Kèm cặp các nhà lãnh đạo tương lai là một trong những nguyên tắc thực hành của lãnh đạo phục vụ nhằm gieo hạt mầm cho văn hoá Agile phát triển mạnh.
- Từ bỏ quyền lực và thẩm quyền thích hợp: Các nhà lãnh đạo linh hoạt nhận ra rằng, mọi người làm việc tốt nhất khi họ được đóng góp trực tiếp vào công việc. Trao quyền cho các cá nhân là một kĩ năng cần thiết của nhà lãnh đạo theo nguyên lí Agile để cân bằng nhu cầu phát triển của cá nhân với nhu cầu của tổ chức.
- Hợp tác để đạt được nhiều hơn: Các nhà lãnh đạo theo nguyên lí Agile xây dựng cộng đồng làm việc dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng các mối quan hệ. Vai trò của họ là cung cấp cho cộng đồng đó tất cả những gì cần để cộng đồng hoạt động hiệu quả. Sau cùng là để mọi người tự chủ trong phạm vi của họ. Người lãnh đạo theo nguyên lí Agile hiểu rằng sự tha thứ, tích cực, rộng lượng và lòng biết ơn là những yếu tố quan trọng của một môi trường lành mạnh. Công việc của nhóm cùng với việc giữ gìn môi trường tâm lí an toàn cho phép nhà lãnh đạo theo nguyên lí Agile khuyến khích hoạt động học tập phát triển, đồng thời cân bằng giữa sản phẩm chuyển giao và hiểu suất bền vững vì lợi ích của tổ chức.
- Ý tưởng tuyệt vời có thể đến từ bất cứ đâu trong tổ chức: Những người gần gũi với một vấn đề thường có những ý tưởng tốt nhất về cách giải quyết nó. Các nhà lãnh đạo theo nguyên lí Agile cho phép bản thân cởi mở với ảnh hưởng và ý tưởng của người khác bất kể vị trí hoặc địa vị của họ. Cuối cùng, nhà lãnh đạo theo nguyên lí Agile dừng lại, lắng nghe và dành thời gian để thực sự hiểu những suy nghĩ và ý tưởng để cải thiện từ các đồng nghiệp của họ. Ngay cả khi một số ý tưởng không được sử dụng, lãnh đạo theo nguyên lí Agile khuyến khích một luồng sáng tạo liên tục bằng cách giúp mọi người hiểu ý tưởng nào hữu ích và ý tưởng nào không.
Tác giả: Phạm Anh Đới, CEO Học viện Agile
(Bài viết này tham khảo quan điểm của tổ chức Business Agility)
Bài viết liên quan: