Cùng với làn sóng Agile, Scrum Master hiện đang trở thành một vị trí rất được săn đón tại các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Để trở thành một Scrum Master chuyên nghiệp đòi hỏi phải có nền tảng kiến thức vững chắc và khả năng áp dụng Scrum bài bản cũng như năng lực điều phối tốt để các thành viên trong nhóm tin tưởng, nể phục.
Hãy cùng đến với câu chuyện về anh Vũ Văn Lục, Scrum Master của Zitga Studio để khám phá hành trình từ QA Game trở thành Scrum Master chuyên nghiệp.
Anh Vũ Văn Lục chia sẻ hành trình từ QA Game trở thành Scrum Master
Được thành lập từ năm 2015, sau hơn 6 năm hình thành và phát triển, Zitga Studio đã trở thành một trong những công ty sản xuất và phát hành trò chơi điện tử hàng đầu Việt Nam với 5 tựa game ra mắt thành công, xây dựng được công đồng hơn 53 triệu người chơi trên toàn thế giới.
Tại Zitga, anh Lục đảm nhận vị trí Scrum Master với các nhiệm vụ như: đảm bảo các nhóm triển khai Scrum đúng Scrum Guide; đào tạo Scrum Master, Product Owner và các thành viên nhóm Phát triển; phối hợp với Product Owner để phân ra User story; hỗ trợ các nhóm dịch vụ cải tiến quy trình để đồng bộ với các nhóm Scrum.
Là một người trẻ nhiệt huyết và yêu nghề, anh Lục kỳ vọng có thể đảm bảo quy trình sản xuất của công ty để phát huy hết các nguồn lực hiện có, tiến độ sản xuất nhanh hơn và xây dựng môi trường làm việc thoải mái, giúp anh em làm việc vui vẻ, nhiều tiếng cười.
Tuy nhiên, anh Lục chia sẻ xuất phát điểm của anh là làm QA game, sau một thời gian làm việc, nhận được sự tín nhiệm của sếp nên được đưa lên làm Scrum Master của công ty. Thời điểm đó, công ty chỉ có mình anh “đơn thương độc mã” làm Scrum Master nên cũng vấp phải rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm.
Nhóm không biết tiến độ thực tế là bao nhiêu, không ước lượng được khối lượng cũng như nỗ lực cần thiết cho công việc. Mọi người chủ yếu làm việc theo bản năng, không có quy trình cụ thể. Bắt đầu một ngày làm việc, mọi người sẽ tự chọn công việc mà bản thân nghĩ là cần thiết, không biết đâu là thứ cần ưu tiên hay phân công cho ai là phù hợp nhất. Đôi khi, công việc bị “mắc kẹt” vài tuần nhưng không ai giải quyết. Kết quả là nhóm chạy cả năm trời mà kết quả là vẫn không kiếm được người dùng nào.
Dù biết Scrum có thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ được các vấn đề kể trên, nhưng áp dụng thế nào cho bài bản và đồng bộ lại là cả một vấn đề khi trong đội ngũ có những nhận thức khác nhau về Scrum. Đó cũng là lý do mà ban lãnh đạo của Zitga đã quyết định liên hệ với Học viện Agile tổ chức Khóa đào tạo Scrum Thực chiến cho các nhân viên trong công ty. Bản thân anh Lục là một người thích làm việc theo quy trình nên anh rất hào hứng tham gia.
Các kiến thức tổng quan về Scrum, kỹ thuật và công cụ thực hành Scrum như biểu đồ Burndown, Burnup, ước lượng theo phương pháp Agile với Planning Poker, các kỹ thuật Lean Coffee cho thảo luận nhóm… được anh Lục và cả nhóm áp dụng nhiều vào công việc thực tế.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh là khi mới áp dụng Scrum, tham gia buổi Refinement đầu tiên, anh không biết chấm điểm kiểu gì và làm như thế có ý nghĩa gì. Ban đầu, anh Lục và cả nhóm đều cảm thấy hoài nghi. Nhưng anh Product Owner lúc đó thuyết phục mọi người rằng mục đích của Refinement không phải là cố gắng đạt được một giá trị chính xác mà là giúp mọi người hiểu được vấn đề.
Dần dần, các buổi Refinement đã phát huy đúng ý nghĩa và tác dụng, giúp cả nhóm khi lập kế hoạch không mất quá nhiều thời gian để phân rã task. Cộng thêm kết quả các Sprint đầu tiên rất khả quan, nhóm thành công liên tục, tiến độ được cải thiện rõ ràng nên anh Lục dần có thiện cảm với Scrum.
Sau một thời gian áp dụng, nhóm của anh Lục đã có Quy ước làm việc chung và Định nghĩa Hoàn thành nên công việc rất rõ ràng, tiến độ sản phẩm được cập nhật chính xác và phát huy tối đa các nguồn lực.
Công việc hằng ngày cụ thể đến từng task việc, khi có vấn đề nảy sinh cả nhóm sẽ cùng nhau giải quyết ngay. Cả nhóm cố gắng làm tới đâu xong tới đó, cập nhật tiến độ liên tục, đóng gói User Story để chuyển giao triệt để, nhận phản hồi sớm hơn để điều chỉnh theo yêu cầu của khách hàng.
Đặc biệt, thời gian chết giữa các công đoạn giảm xuống, tiến độ chạy nhanh hơn trước rất nhiều. Trước đây, một sản phẩm tới tay người dùng phải mất ít nhất 1.5 năm, giờ chỉ cần 3 tháng cho bản MVP và 6 tháng thì release.
Anh Lục chia sẻ, nhiều người nghĩ áp dụng quy trình sẽ nặng nề, khó chịu, nhưng khi áp dụng Scrum, anh thấy cả nhóm làm việc vui vẻ, thoải mái hơn nhiều.
Trước đó, tuy mang tiếng là một nhóm nhưng mỗi người làm việc một kiểu, không tương tác với nhau nhiều. Khi làm theo Scrum, tương tác liên tục nên nhóm ngày càng gắn bó, đoàn kết hơn. Đây cũng chính là động lực to lớn để anh Lục tiếp tục theo đuổi con đường làm Scrum Master chuyên nghiệp trong tương lai.
Bạn đã đăng ký thành công
Xin cảm ơn bạn đã đăng ký nhận tư vấn
Xin cảm ơn bạn đã đăng ký
Mời bạn kiểm tra Email để tải tài liệu.