Chuyển đổi số ngành ngân hàng hiện đang rất cấp thiết khi cạnh tranh không chỉ đến từ ngân hàng đối thủ mà còn có sản phẩm tài chính của doanh nghiệp công nghệ, fintech… Cùng Học viện Agile tìm hiểu về chuyển đổi số ngân hàng ở Việt Nam – một ngành truyền thống nhưng đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, hướng tới tái tạo số trong dài hạn.
Chuyển đổi số – tầm nhìn vĩ mô dài hạn
Trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường và tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số được xem là xu thế phát triển tất yếu của mọi thành phần thuộc nền kinh tế, trong đó có ngành Ngân hàng. Theo quyết định 810/QĐ-NHNN về Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, dự kiến đến năm 2025, 100% dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước nếu đạt điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4 sẽ được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ có tối thiểu 50% nghiệp vụ ngân hàng thực hiện được hoàn toàn trên môi trường số, 50% người dân ở tuổi trưởng thành là khách hàng của dịch vụ thanh toán điện tử.
Đặc điểm chuyển đổi số ngành ngân hàng
Theo chia sẻ của IBM Việt Nam, tại các ngân hàng thương mại, việc chuyển đổi số sẽ trải qua ba giai đoạn chính:
- Giai đoạn số hóa: Chuyển đổi dịch vụ và quy trình truyền thống sang quy trình trực tuyến. Hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam hiện đang ở giai đoạn số hóa (Digitization)
- Giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số: Số hóa các hoạt động của ngân hàng. Một số ngân hàng đã đầu tư mạnh để chuyển đổi số hiện đang ở giai đoạn này.
- Giai đoạn tái tạo số: Kết hợp nền tảng kỹ thuật số và công nghệ tạo ra các sản phẩm sáng tạo.
Ngành Ngân hàng có đặc điểm là ngành truyền thống, quy trình kiểm soát nhiều lớp chặt chẽ để hạn chế rủi ro tối đa. Khi có sự cố, mọi lỗi sai đều phải trả giá bằng tổn thất tài chính. Ngoài ra, văn hóa làm việc và phân cấp nhân sự nhiều tầng để kiểm soát chặt chẽ cũng là rào cản đối với chuyển đổi số. Vì những nguyên nhân này, các ngân hàng thương mại thường tiếp cận chuyển đổi số theo hai hướng:
- Cách 1: Chuyển đổi số từng phần, số hóa rồi mới chuyển đổi số. Tối giản quy trình, chuyển đổi quy trình sang làm việc trực tuyến để làm việc hiệu quả hơn, mở thêm các kênh số hóa để tăng trải nghiệm khách hàng. Đây là chiến lược được nhiều ngân hàng như Vietcombank, BIDV lựa chọn bởi sự an toàn và có thể chuyển đổi từng phần rồi mới tiến tới số hóa toàn phần. Thông thường các dịch vụ cơ bản như chuyển tiền, rút tiền online, ngân hàng điện tử trên ứng dụng di động… thuộc nhóm dịch vụ cơ bản sẽ được ưu tiên chuyển đổi số trước. Sản phẩm tài chính dành riêng cho kênh online, thẩm định tín dụng, ngân hàng thông minh… là những phần tiếp theo được số hóa.
- Cách 2: Xây dựng mô hình ngân hàng điện tử hoàn toàn mới, chỉ hoạt động trên nền tảng số. Một số ngân hàng có thể phát triển hoặc đầu tư vào công ty công nghệ, cung cấp các sản phẩm non-banking. Đây là cách tiếp cận triệt để, sáng tạo và có thể tạo ra sự đột phá nhưng còn mới tại thị trường Việt Nam, chưa được nhiều ngân hàng lựa chọn bởi khó triển khai, cần mức đầu tư lớn. Một ví dụ ở Việt Nam về ngân hàng số hoàn toàn là Timo Bank – mô hình tương tự các ngân hàng số đang hoạt động tại Singapore.
Timo – ngân hàng số đầu tiên ở thị trường Việt Nam
Tại sao chuyển đổi số chưa thành công như kỳ vọng?
Chuyển đổi số đem đến cho ngân hàng cơ hội để bứt phá và tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mọi sản phẩm dịch vụ của nền kinh tế đều phát triển, hướng đến mục tiêu mọi lúc, mọi nơi, không rào cản. Tuy vậy, các chiến lược chuyển đổi số cũng gặp nhiều thách thức về tính pháp lý của mô hình ngân hàng số và dịch vụ tài chính đi kèm. Ngoài rào cản pháp luật, tư duy lãnh đạo và nguồn nhân lực cũng tạo ra thách thức lớn bởi ngân hàng là ngành đặc thù truyền thống với bộ máy nhân sự nhiều tầng lớp. Yếu tố quản lý rủi ro khi ứng dụng công nghệ số cũng được nhiều ngân hàng đặc biệt chú trọng bởi chuyển đổi số đồng nghĩa với gia tăng nguy cơ rò rỉ thông tin hoặc bị tấn công từ bên ngoài.
Có một sự thật là đa số các đội nhóm chủ chốt trong chiến lược chuyển đổi số đều xuất thân từ ngành phần mềm – nơi có ít ràng buộc về quy trình và nghiệp vụ hơn các cộng sự trong ngành ngân hàng. Điều này dễ dẫn đến mâu thuẫn trong giao tiếp khi các cộng sự phần mềm và những người nắm vững chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng khó tìm được tiếng nói chung.
Chìa khóa của sự thành công trong chuyển đổi số ngành ngân hàng nằm ở xây dựng văn hóa số, từ đó khích lệ tư duy đột phá, sáng tạo của người lao động. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã mạnh dạn sử dụng mô hình Agile – tư duy phát triển phần mềm linh hoạt đang được ứng dụng thành công trong nhiều ngành nghề như Marketing, sản xuất, ngân hàng…
Agile giúp đội nhóm tăng khả năng thích nghi, tháo bỏ ràng buộc của cách làm việc truyền thống và cởi bỏ rào cản nhiều tầng kiểm soát, giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Việc giao tiếp đội nhóm được thực hiện hiệu quả và thường xuyên khi ứng dụng Agile đúng cách cũng giúp giảm thiểu rủi ro, nhân sự ở vị trí lãnh đạo có thêm sự tin tưởng khi giao quyền cho đội nhóm.
Lời kết
Khác với giai đoạn trước khi ngân hàng truyền thống vẫn tăng trưởng ổn định, ở giai đoạn mới này, chuyển đổi số trở thành mục tiêu dài hạn và cấp thiết để ngân hàng gia tăng khả năng cạnh tranh, hướng đến mục tiêu phát triển vượt bậc và bền vững trong dài hạn. Dù còn nhiều khó khăn, thành công của các ngân hàng số tiên phong trên thế giới như DBS, ING hoặc CommBank vẫn luôn là những câu chuyện truyền cảm hứng trong chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Chương trình Tư vấn & Huấn luyện Agile cho doanh nghiệp
Học viện Agile là đơn vị số một về chuyển đổi Agile tại Việt Nam, tiên phong trong việc đào tạo, tư vấn và huấn luyện về Agile cùng những tri thức liên quan để nâng cao năng lực sáng tạo và đổi mới cho các tổ chức và doanh nghiệp trong nền kinh tế sáng tạo.
Chương trình đào tạo và tư vấn chuyển đổi của Học viện Agile bao gồm đào tạo, tư vấn và huấn luyện theo kiểu kèm cặp để tối ưu hóa việc áp dụng Agile vào doanh nghiệp.
Chương trình nhằm trang bị phương pháp luận đổi mới sáng tạo, thay đổi về tư duy, đổi mới cách thức quản lý, phương pháp làm việc, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng linh hoạt cho doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi.
Một số đơn vị tiêu biểu đã được Học viện Agile tư vấn chuyển đổi thành công: Viettel, MSB, Techcombank, VNDIRECT, F88, VPBank, 30Shine, LOGIVAN, NTQ Solution, Bravestars…
Bài viết liên quan:
Khóa học liên quan: